Theo đó, các quy định của luật này không vi phạm quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, không hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp mà nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng vốn đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay; đồng thời bổ sung cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm cho các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm trật tự xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Có thể nói đây là dự luật thu hút được sự quan tâm của đông đảo tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn với một số quy định của Luật, cho rằng Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân, tạo rào cản kinh doanh, giấy phép con…
Nguy hiểm hơn, do chưa hiểu thấu đáo các quy định của Luật nên không ít người đã bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, rằng, công dân sẽ bị kiểm soát thông tin cá nhân, bị cấm sử dụng Facebook, Google... Hiểu đúng để hành động đúng, đó là điều cần thiết để mỗi tổ chức, cá nhân đều được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, để bảo đảm an toàn môi trường mạng, an ninh quốc gia, và để luật đi vào cuộc sống.
Cần một khung khổ pháp lý
Không gian mạng là môi trường đặc thù (phi truyền thống), đòi hỏi phải có những yêu cầu, nội dung riêng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia (ANQG), trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Việt Nam chưa có văn bản pháp luật về công tác an ninh mạng, các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác an ninh mạng đưa ra trong tình hình mới. Hoạt động bảo vệ an ninh mạng có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đòi hỏi phải có một dự luật để điều chỉnh về an ninh mạng.
Thực tế hiện nay cho thấy, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với công tác an ninh mạng. Hàng năm, hệ thống mạng thông tin nước ta phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng, gây thiệt hại nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và là tiền đề để thực hiện các hành vi xâm nhập, thu thập thông tin, tài liệu trái pháp luật.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Luật An ninh mạng phù hợp với Hiến pháp và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. An ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Trong những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính chất xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định kinh tế - chính trị của các nước. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng. Do đó việc xây dựng Luật An ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Không xâm phạm quyền tự do của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp
Luật không cấm hoặc ngăn cản quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm của công dân. Đạo luật này cũng không có quy định nào cấm công dân sử dụng các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Google; không cấm công dân tham gia hoạt động trên không gian mạng hoặc truy cập, sử dụng thông tin trên không gian mạng và cũng không có quy định nào cấm công dân khởi nghiệp, sáng tạo hay trao đổi, triển khai ý tưởng sáng tạo của mình trên không gian mạng.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an khẳng định: Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm để mọi người biết các hoạt động nào được pháp luật bảo hộ, hoạt động nào bị cấm để người sử dụng mạng không mắc vào vi phạm. Các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mọi người đều phải chịu trách nhiệm trước các hành động, phát ngôn trên không gian mạng của mình nếu hành động, phát ngôn đó xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho hay, Luật có nhiều quy định tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm phạm không gian mạng nhằm mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Không có việc kiểm tra, kiểm soát các hệ thống thông tin trên không gian mạng. Luật chỉ tập trung vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đó là hệ thống thông tin quan trọng về quân sự, quốc phòng, an ninh, đảm bảo hoạt động điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Với quy định về lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Nguồn tin: Theo PCWorld VN
Ý kiến bạn đọc